Chè Shan Tuyết cổ thụ - món quà của núi

Chè Shan Tuyết cổ thụ - món quà của núi

Cây chè Shan Tuyết cổ thụ là hình ảnh gắn liền bao đời nay với bà con nhân dân xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Đây là món quà được tự nhiên ưu ái ban tặng cho vùng núi cao hiểm trở này…

Chè Shan Tuyết chỉ phát triển ở những tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Ở độ cao hơn 1000m so với mực nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, mảnh đất Hoàng Su Phì là nơi có đầy đủ yếu tố tự nhiên thuận lợi cho cây chè Shan Tuyết phát triển.

Ở Hoàng Su Phì, nguồn nước tưới tiêu chủ yếu dựa vào mưa trên núi và những con suối nhỏ róc rách dọc các mạn sườn đồi. Những nương chè Shan Tuyết cổ thụ nằm ở đỉnh núi vắt vẻo trong làn mây mù. Mỗi cây chè cổ thụ thường cao từ 5-7m, có những cây cao cả chục mét. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã tiến hành điều tra về chè Shan Tuyết Hà Giang và rất chú ý đến những cây chè cổ thụ to lớn này.

Không giống như loại chè khác ở Thái Nguyên hay Tuyên Quang, cây nhỏ thấp vừa tầm hái, cây chè Shan Tuyết cao lớn, buộc người trồng phải trèo lên thân cây để thu hoạch. Sang xuân, vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, người làm chè bắt đầu thu hái vụ chè đầu tiên của năm. Đây chính là lúc cho ra thành phẩm đạt chất lượng hảo hạng nhất.

Thu hoạch chè Shan Tuyết đòi hỏi người dân phải để ý tỉ mỉ từng chút một. Hái chè hai lá một tôm là đúng kỹ thuật. Trong đó loại một tôm, có nguyên búp trên cùng là cao sản cho giá thành và chất lượng cao nhất.

Ông Hoàng Sun Heng, thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty cho biết: “Chè Shan Tuyết không phải chăm sóc đặc biệt, không cần bón phân, không cần tưới hay để ý thời tiết. Cây sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên”.

Nếu như trước đây, người dân chỉ đơn thuần khai thác những nương chè cổ thụ thì nay những đồi chè hữu cơ đã ra đời, cây được trồng dày hơn. Hình thức trồng trọt mới giúp nâng cao thu nhập của người dân, để đưa những thứ vốn có trở thành lợi thế tiềm năng nơi xứ cao lắt léo mây mù.

Chè Shan Tuyết được chế biến theo phương pháp thủ công của người Mông, người Dao. Sau khi chè tươi được hái về sẽ chọn những búp chè không bị sâu, không quá già để đem sao. Sao chè buộc phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước chè mới xanh, trong. Trong lúc sao, lửa phải liu riu thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay, phải thật khéo sao cho chè không bị vữa, không mất hương chè.

“Sau khi sao lần một, phải đem chè ra để vò hết chất bẩn. Sau đó lại cho vào sao tiếp và hạ nhiệt độ dần. Chè càng khô thì càng phải hạ thấp nhiệt độ để lá chè không bị cháy và chè vẫn giữ được vị ngon”, anh Lý Chàn Phin, thôn Nậm Piên, xã Nậm Ty, chia sẻ về công đoạn sao chè. Chè Shan tuyết sao thành công phải săn lại bằng hạt đỗ, tuyết phủ trắng và mang hương thơm thanh cao đặc trưng của núi ngàn.

Chăm vụ đông, thu vụ xuân. Thứ quy luật ấy tồn tại từ bao đời nay, đồng bào dân tộc nơi đây vẫn luôn chăm sóc cây chè Shan Tuyết nâng niu và cần mẫn. Thức trà tươi, màu mật ong, có vị đắng nơi đầu lưỡi. Nhấp chén trà cùng đôi ba câu chuyện về một thứ trà của núi vẫn luôn sống mãi dưới từng nếp nhà nơi sơn khê Hoàng Su Phì...

Nguồn: https://www.qdnd.vn/

Đang xem: Chè Shan Tuyết cổ thụ - món quà của núi

0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng